Hết bận nghĩ bận làm đến bận chơi, con người hiện đại lúc nào cũng tối tăm mặt mũi! Ta bận đến nỗi không còn chút thì giờ nào cho đời sống nội tâm, cho nên lòng ta trống trải. Thi thoảng được rảnh, được đối diện với lòng, ta “kinh khiếp” trước sự trống trải của nó, bèn vội vàng tìm cách bận trở lại! Lòng cứ rỗng mãi thì sao nhỉ? Nếu không chứa gì cả lâu ngày, nó sẽ teo tóp tới… hư vô. Ta sẽ không bao giờ phải kinh khiếp nữa. Và sẽ vĩnh viễn mất đi cái “khả năng xa lắng diệu kỳ”(1) mà loài người vốn có. (Thu Tứ)

(1) Chữ của Thái Bá Vân khi nói về nghệ thuật và khoa học.



Nhất Hạnh, “Hóa phẩm kỳ diệu”




Sự bận rộn, sự bận rộn. Ai chế tạo ra hóa phẩm kỳ diệu này mà sức tàn phá không kém chi bom nguyên tử, không khác chi khói thuốc phiện. Cái thế giới nội tâm trống trải quá, và con người bây giờ có thể đối phó với một cuộc chiến tranh dễ dàng hơn đối phó với cái trống trải của lòng mình. Bận rộn công việc thì than phiền là bận rộn chẳng có thì giờ nghỉ ngơi, mà khi hết bận rộn thì không thể nào nghỉ ngơi được. Con người bây giờ không biết nghỉ ngơi. Hoặc giả chỉ biết nghỉ ngơi bằng những loại bận rộn khác, cũng được gọi là bận rộn. Hễ có được một chút thì giờ rỗi rãi ngừng tay thì đã không chịu đựng nổi. Phải với tay vặn cái nút máy thu thanh. Hoặc phải vớ lấy một tờ báo, đọc bất cứ bài vở gì, tin tức gì. Ðọc quảng cáo cũng được. Phải có một cái gì để nhìn, để nghe, để nói, để trấn giữ đừng cho cái đầu của sự trống trải xuất hiện. Mặt mũi của sự trống trải sao mà kinh khiếp quá.


(Trích
Nẻo về của ý. Nhan đề phần trích tạm đặt.)