Tại sao đang ở chung bỗng muốn ở riêng? Hẳn do ở riêng thì ăn riêng tiện hơn.

Thế tại sao đang ăn chung lại muốn ăn riêng? Hẳn do trước làm chung, còn nay làm riêng. Hễ làm riêng thì ai làm người nấy ăn.

Tức cái sinh hoạt kinh tế nó quyết định cách tổ chức gia đình. Trước kiếm ăn chung nên cả họ vài trăm người ăn chung, ở chung. Nay mỗi “gia đình nhỏ” cày cấy một miếng đất, nên ăn riêng, ở riêng.

Cày cấy hiệu quả, đó dĩ nhiên là nhờ có cày đồng, cày sắt...

(Thu Tứ)



Nguyễn Đổng Chi, “Gia đình thời Hùng Vương” (1)



Nói rằng gia đình nhỏ đã xuất hiện ở thời Hùng Vương như là một tế bào mới của xã hội không phải hoàn toàn suy luận. Ðầu thời kỳ Bắc thuộc, bọn quan lại nhà Tiền Hán (206 trước Công nguyên đến 8 sau Công nguyên) sau khi đặt ách đô hộ trên đất nước ta đã có điều tra hộ khẩu. Dĩ nhiên con số hộ khẩu thời ấy không thể tuyệt đối đúng, nhưng nó có thể cho ta một ý niệm tương đối về gia đình. Tài liệu của Tiền Hán thư phần “Ðịa lý chí” chỉ ra rằng mỗi hộ ngày ấy trung bình gồm từ 4 người rưỡi (ở Cửu Chân) đến 8 người (ở Giao Chỉ) (1). Tuy rằng tài liệu không nói rõ con số ấy chỉ tính nam giới hay bao gồm cả nam lẫn nữ, chỉ tính người lớn hay bao gồm cả người lớn và trẻ em, nhưng dầu ta nhân gấp đôi ba tỷ số ấy lên cũng vẫn thấy giả thuyết cho rằng gia đình nhỏ (đã xuất hiện) là có thể gần với sự thật. Bởi vì gia đình lớn (gia tộc, tôn tộc) thường đông đến năm bảy chục, có khi hàng trăm người.(2)


(Nguyễn Ðổng Chi, “Thể chế xã hội và chính trị”,
Thời đại Hùng Vương (nhiều tác giả), in lần đầu năm 1971, nxb. Văn Học (VN) tái bản năm 2008, tr. 125)





__________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.
(1) Quận Giao Chỉ có 92400 hộ, 467237 khẩu, vị chi mỗi hộ trung bình là 8 khẩu (sai thừa). Quận Cửu Chân có 35743 hộ, 166013 khẩu, mỗi hộ trung bình có 4,6 khẩu (sai thừa). (NĐC) (467237 chia 92400 là 5 chứ không phải 8, hẳn đây là lỗi nhà in - TT)
(2) Chẳng hạn trong một ngôi nhà dài của người Ê Ðê, Gia Rai có khi đông đến 300 nhân khẩu. Một làng chỉ có ba hay bốn ngôi nhà thôi (...) (NĐC)