“Mỗi năm hoa đào nở”, “ông đồ” Ðặng Tiến lại viết về một “con”. Ðọc cái văn chơi Tết công phu của ông, lắm khi ta được mở mang kiến thức. Chẳng hạn, nhờ nghe ông “cà kê chuyện gà năm Dậu”, mới biết gà đã “gáy ran” trong thơ Huy Cận suốt mấy chục năm kể từ Lửa thiêng!

(Thu Tứ)



Đặng Tiến, “Tiếng gà trong thơ Huy Cận”




(...) nhà thơ thân thiết nhất với loài gà có lẽ là Huy Cận, tác giả ngơ ngác tựa gà trống. Phải yêu tiếng gà sâu sắc mới làm được bài thơ này, trích trọn bài:

“Gà gáy đầu thôn, gáy giữa thôn,
Mưa tinh sương mát tận tâm hồn.
Đêm qua tắt gió cây không ngủ,
Mưa sớm hàng cây đứng ngủ ngon.
Gà gáy trong mưa tiếng vẫn trong,
Giọng kim giọng thổ rộn vang đồng.
Được mùa giống mới, gà no bữa,
Tiếng gáy tròn như lúa nặng bông.
Núi Tản như con gà cổ đại
Khổng lồ, mào đỏ thắp bình minh.
Mênh mông gọi nắng cho mùa chín,
Từ buổi Sơn Tinh thắng Thủy Tinh.”


Bài thơ làm năm 1972, tác giả tự giải thích bằng một tựa đề dài: Gà Gáy Trên Cánh Đồng Ba Vì Được Mùa, dài dòng một cách không cần thiết; nó lại hiện thực hóa bài thơ, giới hạn khả năng truyền cảm của tiếng gà.

Năm 1962, Huy Cận có bài Sớm Mai Gà Gáy tả cảnh nông thôn, thơ súc tích, rạo rực, sâu lắng, riêng tư:

“Tiếng gà gáy ơi! gà gáy ơi!
Nghe sao ấm áp tựa nghe đời.
Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp,
Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi.
Cha dậy đi cày trau kịp vụ,
Hút vang điếu thuốc khói mù bay.
Nhút cà, cơm ủ trong bồ trấu,
Chút cá kho tương mẹ vội bày.
Gà gáy nhà ta, gáy láng giềng,
Ta nghe thuộc mỗi tiếng gà quen
- Cha ơi con chửa nghe gà chú!
- Nó cũng như mày hay ngủ quên.
Hàng cau mở ngọn đón ngày vào,
Xóm nhỏ nép bên triền núi cao.
Gà lại gáy dồn thêm đợt nữa,
Nắng lên xòe quạt đỏ như mào.
Gà gáy ơi! tiếng gà gáy ơi!
Nghe sao rạo rực buổi mai đời!
Thương cha lủi thủi không còn nữa,
Chẳng sống bây giờ thôn xóm vui.”


(gáy ran: gáy vang; ràn: chuồng trâu, bò (chính xác là phần trên của chuồng, nơi gác nông cụ); cày trau: cày vỡ, lật đất phơi cho ải, dễ tơi; nhút: dưa muối làm bằng xơ mít)

Đời thực, cảnh thực, nhưng hiện thực đã nhập tâm, nhập thần, trở thành ma lực truyền cảm, yếu tính của nghệ thuật. Triền núi cao, đỏ như mào là cảnh thật, một rặng núi tên là Mồng Gà gần làng Ân Phú, quê hương của Huy Cận, một vùng cận sơn Hà Tĩnh. Huy Cận đã trải qua thời thơ ấu, lang thang, đùa chơi, chăn trâu, thả diều dưới chân núi; và có thể cái tên núi Mồng Gà, kết hợp với tiếng gà gáy, đã suốt đời ám ảnh nhà thơ. Khi anh tả núi Tản Viên “mào đỏ thắp bình minh” thì đã di chuyển tâm cảnh Mồng Gà từ ấu thời sang hiện thực, và từ hiện thực gợi lên huyền thoại.

Thậm chí khi ra biển khơi, anh vẫn lắng nghe Tiếng Gà Trên Biển :

“Tiếng gà trên biển hạ cung trầm,
Tiếng sóng hòa theo chẳng tạp âm.
Tiếng sóng làm nền cho tiếng gáy,
Trầm bao nhiêu, lại bấy xa xăm.”


Câu cuối súc tích, yêu cầu được hiểu theo nhiều giai tầng khác nhau trong địa chất của thi pháp Huy Cận.

Năm 1967, Mỹ ném bom bắn phá dữ dội khu Tư. Huy Cận về sống tại vùng Thanh Hóa ba tháng dưới bom đạn; giữa những ầm vang long trời lở đất thì nhà thơ lắng tai nghe :

“Đây là giờ trưa. Những con gà cục tác.”

Bài Giờ Trưa làm tại Hàm Rồng bắt đầu như vậy. Và kết thúc :

“Buổi trưa ấm lại bốn bề tiếp tục,
Con gà mái lại đâu đây cục tác.”


Dụng ý nhà thơ là chọn một hình ảnh tầm thường để nói lên niềm tin bình tĩnh của người dân, ở cuộc sống, trước thảm họa chiến tranh (...)

*

Biết rõ vị trí con gà trong tâm thức Huy Cận thì sẽ thân thiết hơn với câu thơ tả cảnh gánh xiếc thời thơ ấu, trong tập Lửa Thiêng, 1940:

“Có chàng ngơ ngác tựa gà trống
E đến trăm năm còn trẻ thơ”


Câu thơ không mấy duy lý: gà trống sao lại ngơ ngác, trẻ thơ? hình ảnh ngớ ngẩn, nhưng vẫn hay, thậm chí hay hơn nhiều câu duy lý khác về sau của Huy Cận, được nhiều người ca tụng.

Trong Lửa Thiêng, Huy Cận có bài Em Về Nhà rười rượi, man mác :

“Tới ngã ba sông nước bốn bề,
Nửa chiều gà lạ gáy bên đê.
Làng xa lặng lẽ sau tre trúc;
Bến cũ thuyền em sắp ghé về.”


Âm vang “gà lạ” ngân lên thê thiết. Xuân Diệu đã phê là “trìu mến, chứa cảnh, chứa hồn, chứa cả những gì không thể nói được; đây là Ngã Ba Tam Sa, trên sông Phố, tại Linh Cảm, ở quê Hà Tĩnh của Huy Cận, đã thấm vào chú học sinh từ mấy mươi năm trước”.(1)


(Ðặng Tiến, “Cà kê chuyện gà năm Dậu”, trang
thotanhinhthuc.org)





__________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.
(1) Xuân Diệu,
Thế Giới Thơ Huy Cận, tr. 54, nxb Trẻ, 1987, TPHCM. (Đoạn văn này Xuân Diệu viết năm 1984, không có trong bản biên tập lại tháng 11-1985, một tháng trước khi anh mất và sẽ được dùng làm Lời Giới Thiệu cho Tuyển Tập Huy Cận, 1986) (Đ.T.)