“Cao nguyên Miền Nam” mô tả dưới đây trước kia còn có tên là Cao nguyên Trung phần. Hiện nay vùng đất này thường được gọi là Tây Nguyên, gồm bốn tỉnh Trung bộ không giáp biển là, từ bắc xuống nam: Kon Tum, Gia Lai, Ðắc Lắc, Lâm Ðồng.

(Thu Tứ)



Cửu Long Giang v.v., “Tây Nguyên”



Cao nguyên Miền Nam ở giữa vĩ tuyến 11 và 15,30 bắc và kinh tuyến 105,30 đông (...) 450 cây số từ bắc xuống nam (...) từ đông sang tây (...) khoảng 150 cây số.

Diện tích (...) chừng 65000 cây số vuông, giới hạn phía bắc bởi sông Bùng (Quảng Nam), nam giáp với bình nguyên sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn, đông với duyên hải miền Trung và tây bởi ranh giới Việt-Lào và Việt-Cam-bốt.

(...)

Dãy Trường Sơn được coi là xương sống của nước ta, chạy dài từ sông Mã tới bình nguyên Nam phần, uốn hình chữ S hoa (...) hai phần:

- Phần Bắc: hẹp, chạy từ Trấn Ninh qua Hoành Sơn tới Hải Vân.

- Phần Nam: từ sông Bùng (Quảng Nam) trở đi, dãy núi phình ra và tạo thành cao nguyên Miền Nam.

Cao nguyên Miền Nam gồm những cao nguyên đá hoa cương che phủ bởi những lớp sa thạch dầy. Tuy không bị xếp nếp trong thời kỳ đệ nhất nguyên đại nhưng cao nguyên bị những chuyển động thẳng đứng làm nứt, đá lửa ở lòng đất phun ra phủ lên lớp đá cũ rồi với thời gian biến thành đất đỏ phì nhiêu. Hiện nay những hồ lớn tươi đẹp bên những đồi tròn khô khan hình chóp là di tích những miệng núi lửa cũ và những sườn núi thẳng tắp hùng vĩ ở những cao độ khác nhau bên những thác nước chảy ào ào là những đường nứt xưa kia còn lại. Những chuyển động thẳng đứng lại gây nên những vùng đất sụp ở ven bể, tạo thành những đường phay lớn chạy cong cong như những núi hình cung ở tây Thái Bình Dương.

Hình thể cao nguyên Miền Nam giống như cái cân:

Cao nguyên Kontum, Pleiku, Darlac là cán cân. Quần Sơn, Ngọc Linh, Ngọc Ang cao độ 2500 mét là quả cân phía bắc. Còn dãy núi Lang Biang, Chu Yang Sin cao từ 2100 đến 2400 mét là quả cân phía nam.

Phong cảnh cao nguyên luôn luôn thay đổi: khi là những khối hoa cương cao lớn với những rừng già dầy đặc, bí hiểm như vùng bắc Kontum, khi thì những ngọn núi nhọn hoắt, sườn núi thẳng đứng với những rừng thông xanh ngắt như miền đông nam Lang Biang, có lúc là những tấm sa thạch vĩ đại ngăn cách bởi những thung lũng sâu thẳm như phía nam vùng Ba-biên-giới, có khi là những vùng đất khô cằn bát ngát không người qua lại như ở miền tây bắc Darlac, tây nam Pleiku, hoặc những vùng đồi tròn thấp đầy cỏ tranh và thú săn ở M"Drak.

Cao nguyên Miền Nam có thể phân ra làm ba vùng sau đây chạy từ bắc xuống nam.

1. Vùng bắc cao nguyên gồm có:

- Quần Sơn, Ngọc Linh
- Cao nguyên Kontum, Pleiku.

2. Vùng trung cao nguyên gồm:

- Cao nguyên Darlac.

3. Vùng nam cao nguyên gồm có:

- Cao nguyên Lang Biang (Lâm Viên)
- Cao nguyên Dj"iring (Di Linh)
- Cao nguyên M"nông.


(Cửu Long Giang và Toan Ánh,
Miền Thượng Cao Nguyên (bộ hai quyển), Sài Gòn, 1974, quyển Thượng, tr. 43-45)





__________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.