“Bài thơ khác từ thơ Xuân Diệu”




Bùi Giáng có lần viết: “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được (...) muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác”.(1)

Sau đây là một số “bài thơ khác” mà chúng tôi đã làm sau khi đọc thơ Xuân Diệu.


Cảm xúc

“Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây
Ðể linh hồn ràng buộc bởi muôn dây
Hay chia xẻ bởi trăm tình yêu mến

Ðây là quán tha hồ muôn khách đến
Ðây là bình thu hợp trí muôn hương
Ðây là vườn chim nhả hạt mười phương
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc...

Ðôi giếng mắt đã chứa trời vạn hộc
Ðôi bờ tai nào ngăn cản thanh âm:
Của vu vơ nghe mãi tiếng kêu thầm...
Của xanh thắm thấy luôn màu nói sẽ...

Tay ấp ngực dò xem triều máu lệ
Nghìn trái tim mang trong một trái tim
Ðể hưởng vào giọng suối với lời chim
Tiếng mưa khóc, lời reo tia nắng đọng

Không có cánh nhưng vẫn thèm bay bổng
Ði trong sân mà nhớ chuyện trên trời
Trút thời gian trong một phút chơi vơi
Ngắm phong cảnh giữa hai bề lá cỏ...

- Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đá nam châm
Nếu hương đêm say giậy với trăng rằm
Sao lại trách người thơ tình lơi lả?”.


Xuân Diệu chỉ mới tả có một nửa thi sĩ. Vì dồi dào cảm xúc là cần, nhưng chưa đủ. Phải có tài hóa cảm thành lời gợi cảm nữa, thì mới có, chẳng hạn, Xuân Diệu.

Là thi sĩ, trước tiên là cảm nhậy
Chút gió trăng mây đủ khiến hồn đầy
Nhưng tràn chăng nữa, vẫn còn chưa đủ
Vì thơ là lời, không là chỉ tứ mây!



Xa cách

“Có một bận em ngồi xa anh quá,
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn.
Em xích gần thêm một chút; anh hờn.
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa.
Anh vẫn giận. Em mỉm cười vội vã
Ðến kề anh, và mơn trớn: “Em đây!”
Anh vui liền; nhưng bỗng lại buồn ngay
Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm.

Ðôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm!
Ôi trời xa, vừng trán của người yêu!
Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều
Mà ta riết giữa đôi tay thất vọng.
Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng.
Em là em; anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.

Thương nhớ cũ trôi theo ngày tháng mất,
Quá khứ anh, anh không nhắc cùng em.
- Linh hồn ta u ẩn tựa ban đêm,
Ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ.
Kiếm mãi, nghi hoài, hay ghen bóng gió,
Anh muốn vào dò xét giấc em mơ,
Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ,
Cũng như em giấu anh những điều quá thực.

Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng.
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng:
“Gần thêm nữa! thế vẫn còn xa lắm!””.


Em với anh đâu “cách” bằng cây số
Nên “xích” bao nhiêu, “xa” cứ bao nhiêu
Sao cho hồn một, đó mới là điều
Tuy dẫu một, vẫn “chứa đầy bí mật”!



Yêu mến

“Bao nhiêu sầu, ôi sầu biết bao nhiêu
Khi yêu tình, khi theo mãi tình yêu!

Một phút gặp thôi là muôn buổi nhớ;
Vài giây trông khơi mối vạn ngày theo.
Mộng bay chơi nhằm một buổi trời chiều,
Gặp tóc biếc; tưởng sắc ngày xưa nở!
Nửa câu nói, một chút cười, đôi tiếng thở
Tình cờ qua trên miệng mở quá xinh:
Ta ngây thơ vội tưởng họ yêu mình,
Về dâng vội cả ân tình thứ nhất.
Ðương vương chủ ta bỗng thành hành khất,
Chỉ vì nghe một lời hứa như chim.
Ôi đôi chân! sao mà chúng hay tìm!
Ôi cái ngực! sao ngươi thường đập mạnh!
Tỏa thương nhớ để ôm choàng bóng ảnh,
Những chiều thu góp lạnh giữa mù sương.

Những đêm đông dạt bước ở trên đường,
Gió khuya khoắt dậy cơn buồn lá úa;
Sao rải rác như lệ vàng đêm nhỏ,
Mưa lơ phơ như dạ khóc âm thầm!
Những mai mong, tối đợi, những trưa cầm,
Ðến phong cảnh cũng mượn làm nỗi thảm...

Bao nhiêu sầu! Ôi sầu biết bao nhiêu
Khi yêu tình, khi theo mãi tình yêu?”.


Chớ ai đọc thơ Xuân Diệu rồi đi trách gái sao nỡ để Xuân sầu.

Người ta mới “nói nửa câu, cười một chút, thở đôi tiếng”, đã “ngây thơ vội tưởng (...) yêu mình”, rồi “ngực đập mạnh”, “chân hay tìm”, rồi “dâng”, rồi “thành hành khất”! “Ta” lạ thế, “ôi sầu biết bao nhiêu” là lẽ tự nhiên.

“Ôi ta sầu ta đi lang thang...”(2), ta mượn “mượn phong cảnh làm nỗi thảm”, ta thơ hay ghê:

“Gió khuya khoắt dậy cơn buồn lá úa;
Sao rải rác như lệ vàng đêm nhỏ,
Mưa lơ phơ như dạ khóc âm thầm!”.

... Xuân Diệu đẹp trai chứ có Trương Chi đâu mà gái không yêu được nhỉ? Thì yêu, nhưng yêu Xuân không dễ chút nào. Vì “anh tham lam, anh đòi hỏi quá nhiều”, anh muốn “(em) phải nói yêu, trăm bận đến ngàn lần, phải mặn nồng cho mãi mãi đêm xuân”.(3) Làm gì có cuộc chung sống nào là “mãi mãi đêm xuân”. Lệ thường, tình rồi dần dần sẽ chuyển qua nghĩa, làm gì có “em” nào có thể suốt đời đắm đuối nhìn Xuân “dâng cả tình yêu lên sóng mắt”.(4) Xuân yêu... mặn quá lắm, như chúa Lồi, không thể mong bất cứ “em” nào mang đủ muối!

Rắc rối hơn nữa, ngay trong lúc đang “khăng khít những cặp môi gắn chặt”, đang “kề đôi ngực”, đang “trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài”, ngay chính giữa lúc đang “riết sắc yêu kiều giữa đôi tay”, thì “ta”... “thất vọng”!(5)

“Nỗi niềm thực thế vì đâu?”(6)

Hẳn vì Xuân “yêu tình” chứ không phải “yêu em”. Nghĩ xót xa cho “em”...

Yêu em tóc biếc môi xinh
Yêu em nói, thở, cười tình với anh
Yêu anh em nghĩ thương mình
Thân trao phận gửi, như hình... có sai.



Anh về Ấm Thượng…

“Anh về Ấm Thượng tìm em,
Nhà gianh một túp, hương đêm một vùng.
Bóng xanh vườn nhãn um tùm,
Khói ngưng mặt nước, sương trùm đầu non.
Anh về Ấm Thượng thăm em,
Gọi tên yêu, khẽ gõ rèm cọ khô.
Em đang thức ngủ mơ hồ,
Tưởng rằng anh ở trong mơ gọi thầm.
Thấy anh, em xiết nỗi mừng,
Nhìn em, gương mặt sáng bừng đêm khuya.
Làng không một tiếng chân đi,
Trái tim ta chuyện thầm thì cùng nhau.
Đêm về Ấm Thượng chưa lâu,
Núi sông, cây cỏ nhuộm màu thần tiên.
Chỉ cần một ánh nhen lên,
Một lời ý hiệp nên thiên sử tình”.
(8-9-1965)

Anh lên, xiết nỗi vui mừng
Rừng đêm Ấm Thượng sáng bừng mặt em!
Đồi xanh giấu một nàng tiên
Khuya nay dưới cọ hai tim thì thầm.

Tâm đầu, song ý chẳng đồng,
Sử tình muốn viết, đôi dòng lại thôi...



Tình qua

“Tôi dạo thanh bình giữa phố đông
Tự cười sao chở núi và thông
Đến đây áng trở người qua lại
Bỗng lướt ngang tôi một thoáng hồng.

Tâm trí còn kinh trận gió người!
Bốn bề không khí bỗng reo tươi
Một luồng ánh sáng xô qua mặt
Thắm cả đường đi, rực cả đời.

Tôi trải yêu thương dưới gót giày
Ôm chừng bóng lạ giữa mê say
Lòng buồn lững thững vương sau áo
Bước đẹp mà sao khéo tỏa dây.

Thiên hạ về đâu? Sao vội đi?
Bao giờ gặp nữa? Có tình chi?
- Lòng tôi theo bước người qua ấy
Cho đến hôm nay vẫn chẳng về”.


Núi thông lừng lững phố phường
Hồng đâu lướt đến một luồng đảo điên!
Chân theo lạc đã xa miền
Lòng theo còn vẫn bên tiên chưa về!



Thơ duyên

“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến: nơi nơi động tiếng huyền...

Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu

Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững đững chẳng theo gần
Vô tâm - Nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần.

Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng dang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần...

Ai hay tuy lặng bước thu êm
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm,
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em...”.


Nhỏ nhỏ, xiêu xiêu, lả lả... Giữa “bài thơ dịu”, một vần bước điềm nhiên, một vần theo lững đững... Mây gấp gấp, cò phân vân rồi dang thêm cánh để cũng gấp gấp, “chiều thưa” rồi... Lòng kết duyên với lòng cần chi mối lái, cưới luôn thôi!

Chiều thu mở cuộc hòa thơ
Cành chim ríu rít, đường ngơ ngẩn người...
Mây cò tới tấp bay rồi
Cưới mau, lòng với lòng thôi, ngại gì!



Đàn nguyệt, đàn nhị, nhà thơ

Sau đây không phải thơ, nhưng chúng tôi đọc xong vẫn “làm bài khác”.

“ Nhà thơ mang nhược điểm của mình như một cây đàn mang hạn chế của nó: đàn nguyệt gảy bằng ngón tay: tiếng tròn, đàn nhị kéo bằng vĩ tơ: tiếng dài, nguyệt không réo rắt xé không gian được như nhị, nhị không thánh thót “mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân” được như nguyệt; vấn đề ở chỗ: nguyệt hay đến độ cao nào? nhị hay đến đỉnh chót nào?”.

Đàn nhiều loại. Nhà thơ càng nhiều loại: mỗi nhà thơ là một loại! Có loại Thiều, loại Điểm, loại Du, loại Trứ, loại Quát, loại Khuyến, loại Xương, loại Hiếu, loại Xuân, loại Huy, loại Bính, loại Chế v.v. Bất cứ loại nào cũng vừa “không (...) được như” bất cứ loại nào khác, lại vừa có cái hay riêng không loại nào khác có được. Hành trình sáng tạo nghệ thuật là cố đi cho đến cái “đỉnh chót” của “cây đàn” mình. Chẳng hạn, “con chim đến từ núi lạ” có một lối hót riêng chưa ai từng nghe, nó đã cứ thế mà “dào dạt với âm thanh” suốt đời, để lại cho ta những “tiếng lòng” say sưa chót vót!

Đàn nào chả có hạn chế
Đừng ôm nguyệt mà réo rắt
Hay kéo nhị cho thành giọt!
Sáng tạo
Là cố đi
Sao cho đến đỉnh mình.



Thu Tứ












__________
(1) Bùi Giáng,
Ði vào cõi thơ, quyển I, nxb. Ca Dao, SG, 1969.
(2) Lời ca khúc “Trầu cau” của Phan Huỳnh Điểu.
(3) Xem bài “Phải nói” của XD.
(4), (5) Xem bài “Xa cách” của XD.
(6) Trong bài thơ Tản Đà họa lại bài “Tản Đà cốc tử” của Tú Mỡ.