“Qua” là qua khỏi “túi bom”, còn “sang” là sang đến đất Lào.

Hãy nghe chính một “em” kể lại những ngày “đẹp lắm đấy”:
“Chúng tôi không sợ bom đạn, nguy hiểm, mà chỉ sợ trôi xe, mất hàng, không đưa được thương, bệnh binh đến nơi an toàn (…) Tuyến đường 12 có đoạn Cổng Trời vượt sang Lào luôn là thử thách đáng sợ nhất, với những cua dựng đứng (…) một bên là núi cao, một bên là vực sâu, trong khi xe (…) đi bằng đèn rùa lắp dưới gầm (…) Có những chuyến hàng, trước khi xe lên đường, đơn vị tổ chức truy điệu sống”.

Rực rỡ mãi mãi là hình ảnh “Phạm Thị Phàn dẫn đầu đoàn xe hơn chục chiếc của các lái xe nam thẳng tiến về Cổng Trời trong ánh sáng hỏa pháo và tiếng động cơ máy bay địch gầm rú trên đầu, giữa những ánh chớp dài lóe sáng, những tiếng nổ kinh hoàng của bom, rốc-két, dưới những làn đạn xối xả…”.(1)

“Đất nước mình” một thời, chuyện thật mà y như huyền thoại.
(Thu Tứ)

(1) “Đại đội xe độc nhất vô nhị trên đường Trường Sơn”, trang
qdvn.vn ngày 16/12/2014.



Phạm Tiến Duật, “Gửi em, cô bộ đội lái xe”




Không thể tin là em đã qua
Nơi túi bom bay mù bụi đỏ
Đường gập ghềnh ngổn ngang cây đổ
Trời lô nhô thân gỗ cưa ngang

Không thể tin là em đã sang
Nơi đất lạ trời xanh leo lẻo
Anh đón em qua tầm đạn réo
Tiếng tàu càng sốt ruột vo ve

Em là cô bộ đội lái xe
Giặc đuổi bắn bốn bề lửa cháy
Cái buồng lái là buồng con gái
Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang

Em đã qua và em đã sang
Đẹp lắm đấy những ngày đánh Mỹ
Đất nước mình nhiều điều giản dị
Ai chưa tin rồi sẽ tin thôi.


Trường Sơn 1968