Nhịp hai với nhịp ba, tức nhịp chẵn với nhịp lẻ. Không chỉ khi làm nhạc, mà cả khi làm thơ, người Việt vốn cũng thiên về nhịp chẵn. Thơ bốn chữ, thơ lục bát và cả thơ mới đều theo nhịp chẵn. Tại sao ta thiên về chẵn? TVK bảo ấy là căn cứ vào nhịp tim đập, nhịp mắt chớp, nhịp hít thở, nhịp võng đưa, nhịp tre ngả nghiêng, nhịp nước lớn ròng v.v. Nhưng nhân loại nơi nơi đều có tim, có mắt, có phổi, thủy triều nơi nơi đều lên xuống! Ngẫm, rồi nghĩ đến nếp sống. Dân tộc Việt Nam sống định canh đã từ lâu lắm. Ở nguyên một chỗ đời nọ qua đời kia, đời nào cũng cày cấy, gặt hái, cày cấy, gặt hái..., ta sống “chẵn” chứ còn gì nữa! Trong khi những dân tộc du mục thì nay đây mai đó, vừa chăn nuôi vừa buôn bán vừa thỉnh thoảng cướp bóc (!), họ sống “lẻ” rõ ràng! Thiết tưởng nhịp nhạc xuất phát từ nhịp sống. (Thu Tứ)



Trần Văn Khê, “Nhạc Việt nhịp hai”




Những bạn Á Rập (...) nhấn mạnh (...) tiết tấu âm nhạc của họ căn cứ trên bước đi của con lạc đà (...)

tiết tấu của dân tộc mình ở đâu mà ra, tại sao lại có nhịp hai mà lại không có nhịp ba (...) Theo tôi tiết tấu trong âm nhạc Việt Nam căn cứ vào con người và môi trường sống: con người sanh ra có trái tim đập, con mắt chớp, hơi thở ra vào, bước đi, tất cả đều là tiết tấu và là nhịp đôi. Trong môi trường sống, chiếc võng người mẹ nằm ru con, đưa qua đưa lại kẽo cà kẽo kẹt, cây tre đầu làng ngả nghiêng theo gió, thủy triều nước lớn nước ròng, tất cả đều là tiết tấu nhịp hai. (q. 3, tr. 286-287)

Tiết tấu trong âm nhạc Việt Nam rất đặc biệt, chỉ có nhịp hai mà không có nhịp ba, căn cứ trên nhịp đập của trái tim, giống như tiếng võng đưa kẽo cà kẽo kẹt, như nước thủy triều lên xuống (q. 5, tr. 35)


(
Hồi ký Trần Văn Khê, nxb. Trẻ, 2001, bộ 5 quyển)