“Bài thơ khác từ thơ Tản Đà”




Bùi Giáng có lần viết: “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được (...) muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác”.(1)

Sau đây là một số “bài thơ khác” mà chúng tôi đã làm sau khi đọc thơ văn Tản Đà.


Kỷ niệm hái hoa đào

“Tết Nguyên đán năm Duy Tân thứ bảy, tôi ăn tết chơi ở tỉnh khác, giữ nhà cho một người bà con (…) Trưa hôm ba mươi (…) nhà lan thanh vắng, xảy một người bạn cũng ngụ cư ở láng giềng đấy đến chơi, 13 tuổi, tóc giở lòa xòa buông quá vai (…) Nhân tắm gội xong, thay quần áo sạch, cùng ra vườn sau hái hoa đào. Một người trèo lên cây hái hoa, đưa người đứng dưới cầm. Người nọ lên, người kia lại xuống (…) Khách địa tha hương, giai nhân tài tử, đầu xanh mây biếc, người trắng huê hồng, trời Nam ai vẽ bức Thiên Thai mà mỗi bên bớt đi một (…) Người bạn tôi lên cây hái hoa (…) tôi đứng dưới gốc (…) nhìn theo ra đầu cành (…) năm ngón tay trắng muột vin sát cành hoa đào, vừa đẹp, vừa kháu, vừa xinh, vừa hay (...) Tiếc thay cho đời người sáu bảy mươi năm, mỗi năm ba trăm sáu mươi ngày, mà chỉ một năm ấy, một ngày ấy, được thú chơi như thế ấy! (…) Có khi nhớ cảnh giang hồ, vườn hồng thăm hỏi, thời hoa đào năm nọ còn cười cành xuân đã bẻ cho người đâu xa”.(2)

“Kỷ niệm riêng của một người” sao mà thơ thế. Thử ca:

Thiên Thai nào phải đâu xa
Người trèo kẻ đợi dưới hoa: tiên rồi!
Dù bao nhiêu lượt xuân hồi
Ba mươi tháng chạp một đời không hai!


rồi lại thử ca:

Nhớ ơi “người trắng huê hồng”
Bạn tôi tôi bạn Bồng Bồng Lai Lai
Xuân bao nhiêu, bấy đến rày
Chẳng xuân nào thắm như ngày đầu xanh...



Còn chơi

“Ai đã hay đâu tớ chán đời
Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi
Chơi cho thật chán, cho đời chán
Đời chán nhau rồi tớ sẽ thôi

Nói thế can gì tớ đã thôi
Đời đương có tớ, tớ còn chơi
Người ta chơi đã già đời cả
Như tớ năm nay mới nửa đời

Nửa đời chính độ tớ đương chơi
Chơi muốn như sao thật sướng đời
Người đời ai có chơi như tớ
Chơi cứ bằng văn mãi chửa thôi

Chơi văn sướng đến thế thì thôi
Một mảnh trăng non chiếu cõi đời
(3)
Văn vận nước nhà đương buổi mới
Như trăng mới mọc, tớ còn chơi

Làng văn chi thiếu khách đua chơi
Dan díu, ai như tớ với đời
Tớ đã với đời dan díu mãi
Muốn thôi, đời cũng chửa cho thôi

Đời đương dan díu, chửa cho thôi
Tớ dám xa xôi để phụ đời
Vắng tớ bấy lâu, đời nhớ tớ
Nhớ đời, nên tớ vội ra chơi

Tớ hãy chơi cho quá nửa đời
Đời chưa quá nửa, tớ chưa thôi
Tớ thôi, tớ nghĩ buồn cho tớ
Buồn cả cho đời vắng bạn chơi

Nào những ai đâu, bạn của đời?
Sao mà bỏ vắng, ít ra chơi?
Chờ ai chờ mãi, ai đâu tá?
Hay ngán cho đời chẳng muốn chơi?

Nếu tớ như ai: cũng ngán đời
Đời thêm vắng bạn lấy ai chơi?
Cuộc đời tớ nghĩ chưa nên ngán
Nếu ngán thời xưa tớ đã thôi

Tớ nhớ năm xưa nửa ngán đời
Nghĩ đi, nghĩ lại, lại ra chơi
Mê chơi cho tớ thành dan díu
Đời dẫu cho thôi, tớ chửa thôi

Nghĩ tớ bao nhiêu, lại nghĩ đời
Nghĩ đời như thế, dám nào thôi
Còn đời, còn tớ, còn chơi mãi
Chơi mãi cho đời có bạn chơi

Tớ muốn chơi cho thật mãn đời
Đời chưa thật mãn, tớ chưa thôi
Chẳng hay đời tớ lâu hay chóng?
Dù chóng hay lâu, tớ hãy chơi

Trăm năm, tớ độ thế mà thôi
Ức, triệu, nghìn năm chửa hết đời
Chắc có một phen đời khóc tớ
Đời chưa khóc tớ, tớ còn chơi

Trăm năm còn độ bấy nhiêu thôi
Ngoài cuộc trăm năm tớ dặn đời:
Ức, triệu, nghìn năm đời nhớ tớ
Tớ thôi, tớ cũng hãy còn chơi

Bút đã thôi rồi, lại chửa thôi
Viết thêm câu nữa, hỏi đời chơi
“Lộng hoàn” này điệu từ đâu trước?
(4)
Họa được hay không? Tớ đố đời!”.

Theo thơ mà tính thì thấy lúc sáng tác bài này, Tản Đà vừa chẵn năm mươi.

“Mươi năm” người hãy “còn chơi”
“Mốt năm” người đã về nơi suối vàng…
Ngắn thay một cuộc tuần hoàn
Dài thay một tiếng thơ vang tận trời!
(5)


Nhớ chị hàng cau

“Ngồi buồn đâm nhớ chị hàng cau
Khoảng mấy năm trời ở những đâu?
Khăn vải chùm hum lâu vắng mặt
Chiếu buồm che giữ có tươi mầu?
Ai đương độ ấy lăm răm mắt
Tớ đã ngày nay lún phún râu
Bèo nước hợp tan người mỗi nẻo
Cậy ai mà nhắn một đôi câu”
.

Đọc thơ “Nhớ chị”, thử làm thơ “Chị nhớ”:

Ế cau ngồi nhớ học trò
Đỗ chưa, hay hãy còn chờ khoa sau?
Nước bèo ngỏ mới đôi câu
Biết ai rồi có tưởng nhau chăng mà...



Con gái hái dâu

“Anh có yêu em đứng lại mà
Ở đây vắng vẻ quãng đường xa
Thuyền quyên có ý trông theo thế
Quân tử vô tình bước mãi a?
Rồi nữa rồng mây ra mỗi ngả
Còn đâu huê nguyệt nữa đôi ta
Hỡi anh áo trắng cầm ô máy
Có phải nhân tình chớ vội qua”
.

Áo ô ai diện nên oai
Để cho ai đứng trông hoài mãi theo
Công danh ai nặng đuổi đeo
Cho ai theo với gieo neo gánh cùng!



Trông giăng cảm tưởng

“Đêm thu giăng sáng một trời
Một mình ngồi tưởng sự đời nghĩ quanh.
Nghĩ cho muôn vật hóa sinh
Ở trong vũ trụ cái hình ra chi!
Trăng kia tròn được mấy khi,
Hoa kia nở được mấy thì hỡi hoa?
Gái tơ quá lứa đã già,
Con tằm rút ruột thời là dộng non.
Khúc sông bồi lấp nên cồn,
Dâu xanh bãi bể, đá mòn nước khe.
Đồng không con đóm lập lòe,
Khách trần lối ấy đi về những ai?
Hình kia đúc tự thợ trời,
Tình kia họa mới ra ngoài khuôn xanh.
Vọng phu còn đá còn trinh,
Tiền Đường còn sóng, trung trinh hãy còn.
Dẫu cho sông cạn đá mòn,
Trung hồn khôn thác, trinh hồn khôn tan.
Cho hay những khách trần hoàn,
Nghìn xưa ở lại thế gian mấy mà!
Trông lên một mảnh giăng tà,
Soi chung kim cổ biết là những ai?
Mà người kim cổ những ai?...”
.

Hình tan, tình hãy còn đây
Ai? Ai? Chỉ bóng trăng này biết thôi!
Đêm thu ngồi tưởng sự đời
Buồn, tay chép vội đôi lời thở than...



Thu Tứ












__________
(1) Bùi Giáng,
Ði vào cõi thơ, quyển I, nxb. Ca Dao, SG, 1969: “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được (...) muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác”.
(2) Trích từ “Bài chép mộng” trong
Khối tình bản phụ, in lại trong Tuyển tập Tản Ðà, nxb. Hội Nhà Văn, 2002.
(3) Các sách Tản Đà tự xuất bản đều có đóng dấu mảnh trăng lưỡi liềm, ngụ ý tài nghệ mình chưa tới đỉnh.
(4) Điệu này đoạn thơ nào cũng dùng ba vần “chơi”, “đời”, “thôi”. Tản Đà tự đặt ra!
(5) Xem bài thơ “Hầu trời” của Tản Đà.