Hải Vân lên nhớ Cao Bằng
Những ngày “bí mật” như gần, như xa
Nức lòng câu chuyện dân ta:
Muôn con vì Mẹ, giã nhà, quên thân!
(Thu Tứ)



“Một chuyến nam hành”




Lâu ngày lại mới có dịp trở về phần đất ở phía nam của Tổ quốc (...) Nghĩ đến đồng bào, chiến sĩ đang lao vào cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù mà lòng rộn ràng. Dọc đường, gặp nhiều đoàn quân Nam tiến (...) Những giờ phút quan trọng này đối với cuộc đời của mỗi con người, chắc chắn sẽ trở thành kỷ niệm không bao giờ phai lạt. Trên đường tới các sân ga, chiến sĩ với vũ khí, hành trang trĩu nặng trên vai, vừa đi vừa hát. Những đoàn tàu tốc hành chở đầy bộ đội, ầm ầm chạy về phía nam, mang theo tiếng hát, tiếng cười và những bàn tay vẫy gọi. Những ngày vui ra trận đang sống lại trong đời sống của dân tộc (...) Tối hôm ấy, tôi ghi vào nhật ký đi đường: “Đó là tinh thần độc lập bất tử của dân Việt. Với một dân khí như thế, nước Việt Nam ta nhất định phải hoàn toàn độc lập” (trên đường vào Nam năm 1946).

Tối ba mươi Tết, xe đến chân đèo Hải Vân (...) Xe lên đèo, trời bắt đầu mưa. Một bên là vực sâu. Một bên là vách đá dựng đứng. Gió hun hút (...) Sương mù dày đặc. Trời mưa mỗi lúc một to (...) Chỉ mấy tháng trời mà biết bao đổi thay (...) Một tuần trước còn là những người bí mật, len lỏi trong chốn rừng xanh. Một tuần sau, đã về giữa Thủ đô, người làm việc này, người làm việc kia (...) Bánh xe lịch sử dường như quay tít. Đối với mỗi người cách mạng, mỗi ngày, mỗi giờ lúc này, sao quá ngắn. Bước chân của thời gian đang vội vã. Mùa xuân đến với chúng tôi cập rập trên lưng đèo, trong đêm mưa (trên đường trở ra Bắc).


(Trích hồi ký
Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)