“Bài thơ khác từ thơ Bùi Giáng”




Bùi Giáng có lần viết: “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được (...) muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác”.(1)

Sau đây là một số “bài thơ khác” mà chúng tôi đã làm sau khi đọc thơ Bùi Giáng.


Chào Nguyên Xuân

“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày bóng con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau

Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chưa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu

Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân”.


“Mùa xuân phía trước...”, “Mùa xuân đang đợi...”, “Mai sau (...) trùng ngộ...”, “Vui bất tuyệt...”... Nghe vui quá, mà không biết có “đúng” không? Thôi, “nói nữa (e) là sai”... thêm!

“Mùa xuân phía trước”, lâu rồi
Người chào “ngẫu nhĩ” thôi đời cũng lâu
“Cây xanh” tóc “có phai màu”
“Giờ vui bất tuyệt” nơi nào? “Nguyên Xuân”...



Mây chiều nay

“chiều nay gặp lại chiều nào
chiều vàng óng ả chiêm bao lan tràn
chiều lộng lẫy mộng thênh thang
màu vàng gợi nhớ huy hoàng nắng mai
nắng vàng ôi! nắng lung lay
vàng thay nắng sớm! vàng thay nắng tà!
suối vàng ắt sẽ nhận ra
màu vàng vô tận của ta nhìn mình
những chiều say rượu lặng thinh
nhìn mây vàng nhớ bóng hình những ai
buông xuôi nửa tiếng thở dài
những ai hình nhạt những ai bóng nhòa
những người mộng tưởng thiết tha
những người mất hút mây xa cuối trời
chiều nay chẳng biết ai mời
ly đầy rượu đỏ yêu đời hơn đau
điên chơi cho bớt điên đầu
điên đầu cho bớt điên rầu rĩ chơi”.


nắng chiều nhắc nhớ nắng mai
vàng tươi vàng úa, độ vài mươi năm
hình nhòa bóng nhạt xa xăm
chiều nay chợt kéo về thăm chật lòng...



Chuyện bữa trước bữa sau

“Em đi thương tiếc những gì
Người ngồi mơ tưởng nhu mì của em
Chiêm bao đầy mộng êm đềm
Mộng mơ tưởng mộng hiên thềm nhớ nhung
Vườn cây cành lá ngại ngùng
Hành lang rộng mở mông lung một giờ
Tôi ngồi chép mãi bài thơ
Quẩn quanh vần điệu bao giờ cho xong
Ðôi phen lệ chảy ròng ròng
Tâm tình kín đáo dòng dòng tuôn ra
Tiếng cười tiếng khóc tiếng ca
Tưởng chừng khép mở màu hoa mấy mùa”.


“Người ngồi mơ tưởng nhu mì” biết bao lần. Cũng biết bao lần “ngồi chép mãi bài thơ”. Hình như chỉ có đúng một bài mà mỗi lần chép mỗi khác! Dù lần sau khác lần trước, nhưng “quẩn quanh vần điệu” luôn là sáu tám. Dù “dòng dòng tuôn ra” rồi lại tuôn ra, rút cuộc “tâm tình kín đáo” vẫn nguyên kín đáo tâm tình!

Nhớ em nhu mì
Ròng ròng lệ chảy
Rơi đầy trang giấy
Ô này, là thơ!...



Ở đời chút kỷ niệm cỏ thơm

“Ở đời sáng uống cà-phê
Quán trong hẻm nhỏ như quê quán nhà
Ngoại ô thành phố phồn hoa
Ấy Sài Gòn, ấy thiết tha bấy chầy
Phồn hoa nô nức lắm thay
Càng hăm hở lắm càng ngây thơ nhiều
Lạ cho đất nước diễm kiều
Miền Nam nước Việt sóng triều Cửu Long
Ngồi đây tưởng nhớ xa xăm
Nhớ nhung Lục Tỉnh trăng rằm Long Xuyên
Ba mươi năm trước hiện tiền
Hình về hiện tại bóng nghiêng nghiêng đầu
Ở đời được có mấy đâu
Hoa thơm cỏ lạ thơm màu ngẫu nhiên
Ôi người thục nữ Long Xuyên
Tìm đâu thấy lại thuyền quyên một lần
Tình và nghĩa, nghĩa và ân
Tình yêu ân nghĩa tình thân hơn tình
Về sau vạn lý tiền trình
Ngẫu nhiên ngồi quán một mình ngoại ô
Nhớ nhung từng đợt xôn xao
Tuổi già vây chặt chiêm bao lối về”.


Thơ Cỏ Thơm hít vào, hít đi hít lại, thấm, say say, thở ra:

Cà-phê sáng, hẻm ngoại ô
Ngồi lâu, đợt đợt nhớ xô nhau về...
Dặm đời sắp bước hôn mê
Cỏ thơm kỷ niệm còn tê tái lòng...


Rồi lại thở ra:

Cà-phê một mình quán hẻm
Sóng nhớ dồn dập ngất ngư
Trùng trùng tuổi tác vây ngất
Ba mươi năm, về đó ư?



Ngôn ngữ người điên

“Thằng điên viết bậy vô cùng
Thằng không điên cũng vô cùng bậy ba
Quả mai ba bảy chan hòa
Ồ thưa em ạ! ồ! à! ồ! ô!”.


Hòa chan mai quả bảy ba
Điên không, viết cũng bậy ba vung cồ
Ạ thưa em á! à! ô!
Vùng cô bậy viết, điên ồ ồ điên!



Người điên

“Người điên đuổi mộng mơ mòng
Cà-phê bên nọ cháo lòng bên kia
Đi về phố chợ uống bia
Chép tờ vội vã bên kia bên này
Loạn hò cuồng hét hôm mai
Chầy chầy ghi chép một vài chịu chơi
Trở cơn cuồng mộng tót vời
Trần gian du hí giữa đời phiêu du
Phiêu bồng ngôn ngữ trầm phù
Xót thân chìm nổi tạc thù la-de
Giữa đêm đứng phố ngồi hè
Phồn hoa thịnh vượng đâu dè thế ru”.


Mòng mơ mộng đuổi điên người
Cuồng cơn mộng trở tót vời la-de
Hoa phồn vượng thịnh đâu dè
Hí du đứng phố ngồi hè giữa đêm
Gian trần tờ chép để bên
Hò cuồng hét loạn nổi nênh cháo lòng
Chầy chầy ngôn ngữ phiêu bồng
Chép ghi vã vội đôi dòng cà-phê
Bia đi chợ phố uống về
Chịu chơi vài một chê ề thế ru
Mai hôm thân xót trầm phù
Du phiêu chìm nổi tạc thù de-la!



Thần tiên bất ngờ

“Các con có vẻ bực mình
Như dường bực bội trước tình tự điên
Ông già tuyệt đối là điên
Mà xem có vẻ thần tiên bất ngờ”.


Tình tự điên khiến bực mình
Hơi đâu ngồi đọc như hình thơ điên
Bất ngờ tuyệt đối thần tiên!
Thơ ông già lại liên miên đọc hoài...



Vui và buồn

“Các con còn nhỏ phải không
Thấy ông cười khóc mà không vui buồn
(Không vui sao cười? không buồn sao khóc?)
Khóc vì trăng mọc mưa nguồn
Cười vì tuyết đổ vui buồn muôn phương
Quanh năm lạc nẻo lầm đường
Thu về xuân lại mộng trường chia xa
Đời bất tuyệt, mộng nguy nga
Lẽ nào có thể tiên nga điêu tàn
Ngày xuân chín chục thiều quang
Cành lê trắng điểm, lá vàng ở đâu?
(Em đi từ tỉnh mộng đầu
Một mình ở lại, anh sầu trăm năm
Em từ vô tận xa xăm
Trùng lai chất vấn: từ trăm năm nào?)”


Buồn không, mà giọt ngắn dài
Vui không, mà cứ cười hoài không thôi
Trăm năm, ờ cũng sắp rồi
Trăm năm nào đó? đợi người nào đây?



Thu (3)

“chiều thu mây trắng nhớ nhung
những trăm nghìn nỗi mông lung nhớ gì
nhớ gì có lúc lâm ly
có lần thư thái thuận tùy nhớ nhung
nhớ gì cũng thể như không
nhớ gì cũng được – nhớ mong không gì
không gì cả! chẳng có gì
nhớ gì chẳng có, có vì nhớ suông”.


Trăng suông chỉ thấy ánh trăng mà không thấy trăng. “Nhớ suông” chỉ thấy nhớ mà không thấy cái gây nhớ. Không thấy vì “thu” rồi, “mây trắng” che khuất hết, “mông lung hóa” hết “những trăm nghìn nỗi” rồi... Trăng suông hình như bao giờ cũng buồn. Nhớ suông lúc vui lúc buồn.

niềm niềm nỗi nỗi mông lung
một mình ngồi nhớ lung tung dài dài
nhớ không gì! nhớ không ai!
chiều thu mây trắng lai rai nhớ về...



Xa cõi đi về

“Quên rồi những đổi những thay
Quên rồi bụi cát vần xoay bước đời
Nhớ chăng chút giọt sương phơi
Trên đầu ngọn cỏ dưới trời ban mai”.
(2)

Tưởng tượng nhé một người
Chân lảo đảo bước đời
Tóc râu lầm bụi cát
Lòng lấp lánh sương phơi!



Thu Tứ












__________
(1) Bùi Giáng,
Ði vào cõi thơ, quyển I, nxb. Ca Dao, SG, 1969.
(2) Đây là Bùi Giáng “làm bài khác” bốn câu của Thân Thị Ngọc Quế: “Đã quên rồi những đổi thay / Sá gì bụi cát tỉnh say bước đời / Ngọn cỏ nào giọt sương phơi / Long lanh hát với mặt trời ban mai”.