Thật là vang bóng một thời... chim!

Ðọc
Chuyện cũ... của Tô Hoài, mới hay “Hà Nội Mới” một thời đã là đất lành của loài lông vũ.

“Chim Hà Nội”, có chim “chủ” ở quanh năm suốt tháng, có chim “khách” chỉ ở theo mùa: “... nửa đêm kia, gió may thổi dài đem cái lạnh về, nghe trên thinh không rào rào tiếng thảng thốt lạ tai. Ra nhìn trời, không trông thấy, nhưng biết thế là những đàn con giang, con sếu từ phương bắc đã bay xuống phía nam trú đông. Buổi sáng, thử ra xem. Quả nhiên, mặt hồ Tây đã đen trũi, đã trắng bông những đàn vịt trời, những con sâm cầm, con mòng két”.

Hết rồi, hết gần sạch cả chủ lẫn khách rồi. “Thành phố này đã bắt ăn hết cả chim trời (...) Tôi đã đếm trong các phố, chỉ còn chim sẻ, đôi ba con chích bông, con vành khuyên trốn chỗ nào thỉnh thoảng bay ra và ban đêm chỉ còn có con éc lợn”.

Tô Hoài ký sự chim cũng đã lâu lâu, con éc lợn giờ còn không? Có thể hiện đại mà khỏi “tiệt cả chim” không, Hà Nội ơi.

(Thu Tứ)



Tô Hoài, “Chim trời ở Hà Nội”




(...) Mùa hạ, tiếng chim rộn rã nhất bốn mùa (...)

(...) chim sẻ trú ngụ trong hốc cột (...) sớm tinh mơ (...) chim sẻ cãi nhau hay trò chuyện, chẳng biết, cứ ra rả tẹc tẹc từng hồi rồi mới bay đi kiếm ăn. Dưới vườn, con chích bông kêu chiếp chiếp chuyền luống rau diếp sang khóm hành hoa. Ðàn vành khuyên hót ríu ran lướt qua ngạc cây xoan xuống đám chuối ngự. Vành khuyên, bạc má đã ngửi thấy mùi chuối chín. Buồng chuối ngự vàng hây, con chào mào, con vàng anh láo lếu đã bay đến khoét vỏ chuối từ lúc nào, ăn chưa hết, bỏ lại.

Mặt trời lên đầu ngọn tre, ấy là lúc chim ra đông vui nhất trong ngày. Giữa vòm lá cây đa đầu làng, lũ vàng anh và những con vẹt xanh thẫm (...) lại cả đàn chào mào “chào mào đỏ đít đỏ trôn”, dưới đuôi phất phơ mấy sợi lông hây hây đỏ. Chúng nó chen nhau tranh mổ quả đa chín vàng. Những con giẻ cùi to xác cũng lách vào ăn quả đa chín. Giẻ cùi bảnh bao như con bồ các, vậy mà bị câu giễu rất ác “Giẻ cùi tốt mã dài đuôi. Hay ăn cứt chó, ai nuôi giẻ cùi” (...)

Kìa kìa, đàn chim bay vào cây gạo mới đầu hạ mà hoa đã nở đỏ ối bãi Cơm Thi bên sông Tô Lịch. Những con sáo đá, sáo sậu, sáo mỏ ngà lúc đậu trên cây, lúc xuống bãi cỏ gà - lại cả bọn bồ các nữa. Chim nhặt sâu trong dệ cỏ, chim dũi những chiếc hoa gạo đã rụng rữa.

Ðàn cò về nhiều trong bờ tre. Cò bợ mỏ xám, cò bạch mỏ ngà nhấp nhô trên nhánh tre. Con cò là chim báo bão. Sắp mưa to gió lớn, cò bay đi tìm chỗ ẩn. Con cò báo bão, con cóc, con chẫu “nghiến răng” trời sắp mưa, nghiệm lắm.

Con trâu to xác mà chậm hơn cả. Bão đến nơi, gió thổi bay cả người, ngọn tre lả xuống quết mặt ao, bấy giờ trâu mới chồm lên dựng đứng như múa hai chân trước. Bão đấy! Bão đấy!

Giữa trưa nắng, trời cao trong xanh, những con diều hâu liệng vòng tròn, khi xa khi gần. Bất chợt, một con chim cắt như mũi tên vụt ra đuổi đánh. Diều hâu lẩn đi, chốc mới hiện ra, lại bay vòng. Chẳng phải diều hâu nhởn nhơ, nó có việc cả đấy. Dưới kia, con gà nhép mải đùa, diều hâu chỉ rình hễ nó quá chân đi ăn xa mẹ, diều hâu sà xuống quắp ngay. Ðã có câu hát chọc tức: “Diều hâu xây giếng cho tròn. Mai kia tao gả gà con cho mày.”

Trưa nắng, những con quạ đen, quạ khoang chúi vào trong cây muỗm rậm lá. Cũng để tránh đòn con cắt, con chèo bẻo. Ngứa mắt thì bị cắt đánh ngay. Con quạ cũng phải nháo nhác chạy đòn. Không hiểu sao người ta lại đặt ra một câu ví kỳ quặc về con quạ nháo nhác. Anh chàng mê gái, thấy gái cứ “nháo nhác như quạ vào chuồng lợn”. Tôi không thấy quạ nháo nhác bao giờ, người thì có.

Ðàn chim liếu điếu râm ran cãi nhau cả ngày không dứt. Khi chim tu hú gióng giả xa xa, biết tu hú đã về thì quả vải chín đỏ rộ và nắng gắt. Bỗng đâu, trên cái sào phơi ngoài sân, móng chân chim gãi sột soạt, vang lên những tiếng lảnh lót khách, khách, khách... Con chim khách báo tin nhà sắp có khách.

Con chim nào kiếm mồi cũng đều có thung có thổ, không mấy khi chúng nó bay tình cờ. Bên mép nước, con chim trả xanh mướt trên cành trúc, gật gù như đậu chơi mà là rình cá. Con bói cá mình đen cánh lốm đốm trắng cũng ngó nghiêng nhòm xuống. Chàng này lượn cao cao, thình lình buông mình rơi tõm xuống mặt nước, lôi lên được con cá thiểu trắng lấp lánh. Con le, con cốc lặn lội cả ngày dưới đìa Cáo, chỉ xốc được cá bé, những con thờn bơn, con mài mại (...)

Hàng đàn choi choi thoăn thoắt nhấp nhểnh cái đuôi dài, chân chim lướt trên lớp bùn loãng ở thửa ruộng nước vừa bừa lại. Chim choi choi nhởn nhơ ngoài đồng, chẳng khi nào vào làng. Cũng như con ri đá, ri sừng nhác trông tưởng chim sẻ, nhưng khác tính nết sẻ. Sẻ quanh năm ở mái nhà, chim ri thì chơi nhởi đâu đâu, mùa hạ mới về làm tổ trên cây vòng, đến khi chớm gió giải đồng thì bố mẹ con cái lại cuốn nhau bay lên mường, tận sang năm mới về.

Chập tối, tiếng chim chích chòe dài giọng líu lo dưới bờ ao. Chích chòe quen ấp trứng trên tổ trong ống tre chết róc vừa xuống uống nước. Lúc ấy đã nhạt nắng, xa xa con cuốc kêu khắc khoải từng tiếng. “Ai xui con cuốc gọi hè. Cái nóng nung người nóng nóng ghê...” Cuốc kêu chào hoàng hôn, gọi bóng tối về. Rồi đêm đến, con cú rúc từng hồi trong cây duối cạnh miếu thần đất. Mắt cú thao láo (...) Thoạt trông thế thôi, con cú chỉ có hai quầng mắt lớn như cái bát úp, còn mắt cú nhỏ bằng mắt gà, nhưng không quáng gà mà cú tinh nhanh về đêm. Ban ngày, cú ngủ đứng lẩn xó nào không ai biết. Chẳng hiểu sao lại thành câu ca dao ngẩn ngơ đến não nùng: “Bao giờ cho hết tháng giêng. Con cú, con cáo nằm nghiêng thở dài...”

Nửa đêm, tiếng chim lợn hay chim éc lợn, tiếng éc éc như ai chọc tiết lợn kêu trên trời. Có lẽ chim lợn đã biết người ta ghét nó hôi hám ăn xác chuột chết, đêm tối mới bay ra. Chim lợn lướt qua đê sông Hồng xuống bãi, xải đôi cánh dài rộng như cánh con diều hâu.

Sang canh, tiếng vạc thưa thớt trên bầu trời thành phố mờ sương, vạc đi ăn đêm đã về, thế là sắp rạng sáng. Vạc chỉ thui thủi ăn đêm mà cũng có sự tích kiện tụng nơi cửa quan. Ngày xưa, cò và vạc cùng kiếm ăn ban ngày, nhưng họ tranh nhau một cánh đồng rồi đem nhau đi kiện. Quan xử cho cò ăn ban ngày, vạc ăn đêm, cò được giữ văn tự, cò được kiện. Nách cánh cò có đám lông nâu, đấy là cái văn tự đi ăn ban ngày cả đời cò ôm khư khư trong nách.

Không phải tiếng chim bao giờ cũng vui tai. Như chim khách báo nhà có khách là việc mừng. Nhưng ghét nhất là tiếng chim lợn báo điềm nhà có người ốm, có người sắp chết. Người chết rồi cú rúc từng hồi gọi ma về. Tiếng vạc trên bầu trời lúc gà gáy cũng không ai ưa. Chẳng có điềm xấu vạc kêu, nhưng mà buồn.

Có những con chim không biết mùa hạ trú ngụ đâu, đến tháng chín mới kéo nhau về. Tháng chín, tháng mười cơm mới, đàn chim ngói bay đỏ rợp đồng chao xuống nhặt thóc ở thửa ruộng quang. Con dẽ giun lủi thủi xuống mò cánh đồng sâu còn xâm xấp nước.

Khi có gió heo may, những con chim hét đen tuyền như quạ, nhưng thon mình như sáo, đậu xuống cánh bãi, đậu cả trên lưng trâu bắt ruồi bọ cho trâu. Tiếp đến nửa đêm kia, gió may thổi dài đem cái lạnh về, nghe trên thinh không rào rào tiếng thảng thốt lạ tai. Ra nhìn trời, không trông thấy, nhưng biết thế là những đàn con giang, con sếu từ phương bắc đã bay xuống phía nam trú đông. Buổi sáng, thử ra xem. Quả nhiên, mặt hồ Tây đã đen trũi, đã trắng bông những đàn vịt trời, những con sâm cầm, con mòng két. Dưới đồng sâu, những bồ nông, con giang, con sếu đứng rình mồi ăn nổi, lặng im như cái cọc. Hôm nào rét ngọt thì vỡ tổ từng đàn nhạn nước bay lẫn với sương mù. Có hôm sương đọng và gió rét, nhạn nước liệng như mắc cửi trên hồ Gươm, luồn quanh các lưng cây ven hồ. Nhiều người đem lưới ra mắc quanh gốc cây bắt nhạn nước về nướng ăn, như ăn châu chấu, chim sẻ, chuột bán ở các chợ. Nhiều năm rồi, không thấy nhạn nước về hồ Gươm, tuy trời mùa đông vẫn xám mờ những đợt rét đậm thế. Có lẽ con nhạn nước bé bỏng cũng biết sợ chết mắc lưới.

Thành phố này đã bắt ăn hết cả chim trời (...)

(...) những chim “bắt cô trói cột”, con gà rừng, con thầm thì cất tiếng than vãn lúc chạng vạng tối. Chỉ được nghe nói, không trông thấy bao giờ, những con chim ấy ở tận rừng núi miền ngược.

Những tiếng chim ngoài ngõ, đầu đồng, trên nóc nhà. Nhưng mà đấy là tiếng chim ngày trước. Tiếng ríu rít chỉ còn mờ mờ trong trí nhớ. Nửa đêm về sáng không nghe tiếng con vạc. Có lẽ vạc cũng như cò, người ta đã chén thịt hết. Các thung, các đìa ruộng sâu có cò ăn ngày, vạc ăn đêm đã bị đặt bẫy cả. Thịt vạc nấu hay xáo măng cũng thơm như thịt cò. Chỉ còn con chim lợn - cái điềm xấu nhất thì đêm đêm vẫn nghe lảng vảng eng éc rùng rợn qua trên nóc nhà phía bờ sông bay vào.

Buổi sáng chỉ còn đôi ba con chim sẻ lác đác đậu ngoài mép nhà mái bằng. Không biết đêm chim sẻ ngủ đâu, chẳng chỗ nào còn hóc cột, còn ống nứa ống tre thế mà cứ đúng giờ sáng sớm chim sẻ lại ra. Trời mùa hạ xanh trong, chợt nhớ con diều hâu (...) khi nào lên núi Tam Ðảo mới trông thấy con diều hâu đương “xây giếng cho tròn” trên khoảng trời rừng xanh lơ.

Tôi đã đếm trong các phố chỉ còn chim sẻ, đôi ba con chích bông, con vành khuyên trốn chỗ nào thỉnh thoảng bay ra và ban đêm chỉ còn có con éc lợn. Còn thì các thứ tiếng chim được kể trên kia đều biến đâu mất cả. Người ở đông lên nhiều, chim thì vắng đi.

Chỉ thương những lá sung. Lá sung non ăn chát mà bùi, hái lá sung ăn gỏi, ăn mắm, bọc nem chạo. Sao mà thương, ấy bởi người ăn được thì sâu bọ gặm tốt, lá sung làm mồi ngon cho sâu róm, bây giờ mới đầu mùa hạ mà những cây sung đã bị sâu ăn trụi hết lá. Quanh hồ Gươm, hồ Thiền Cuông có cây sung cổ thụ. Chẳng còn con chim nào về bắt sâu cho cây, mùa hè nắng chói chang, sâu bọ đã chén hết lá, cây sung ghẻ bị tróc đầu, trơ trụi, tiều tụy.

Ai còn nhớ đã có lắm câu hát, câu ví chim với người, người với chim. “Láu táu như liếu điếu”; “nói như vẹt”; “bắt chước như yểng”; “hôi như cú”; “hót như khướu”; “gật gù như cò bợ”; “lủi như cuốc”; “nhảy như choi choi”... Cái mẩu của thằng cu tũn hai ba tuổi cũng được mẹ quí gọi là con chim!

Mai kia, rồi trong làng ngoài phố tiệt cả chim, các cô các cậu đi học còn biết con chim ấy cái lông, cái cánh, cái mỏ, cái mắt thế nào mà hiểu câu ví von, mà làm được bài văn tả con chim.


(Tô Hoài,
Chuyện cũ Hà Nội, nxb. Hà Nội, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)