Thoạt tiên Huy Cận bảo “Thơ Mới (...) đổi cảm xúc cho người Việt Nam ở thế kỷ 20”, sau đó lại bảo “xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 biến chuyển, kéo theo những biến chuyển trong tâm thức của con người Việt Nam”.

Giữa xã hội và Thơ Mới, cái nào mới là động cơ chính đằng sau cuộc biến chuyển tâm thức?

Thiết tưởng chuyện xảy ra là trước tiên xã hội đổi (vì lý do lịch sử), rồi cảm nghĩ của con người đổi, rồi sau cùng nghệ thuật mới đổi.

Ðầu thế kỷ 20 nào chỉ có Thơ Mới. Còn có Nhạc Mới, Họa Mới, Áo Mới v.v. nữa đấy chứ. Một mình Thơ Mới không đổi được cảm xúc của người Việt Nam, mà toàn thể nghệ thuật mới cũng không hề đổi được cảm xúc của người Việt Nam. Cảm xúc của người Việt Nam đổi trước, rồi sau mới có tân thi, tân nhạc, tân họa, tân... áo!

Tưởng tượng vào đầu thế kỷ 19, khi xã hội ta chưa chuyển gì cả, mà đưa những
Lửa thiêng, Thơ thơ, Gửi hương cho gió v.v. cho Nguyễn Du thưởng thức. Chắc chắn đọc xong cụ không chịu đổi cảm xúc đâu, e cụ dức lác ầm ĩ!

Mặt khác, không phải nghệ thuật mới không ảnh hưởng gì đến tâm thức dân tộc. Nó là “con” của cảm nghĩ mới, là “cháu” của xã hội mới, nhưng một khi đã ra đời, đã nhập vào xã hội, dĩ nhiên nó cũng có mức độ ảnh hưởng đến cảm nghĩ...

Tóm lại, thay đổi tâm thức là một quá trình biện chứng, bắt đầu với biến chuyển xã hội. Ðến lúc nào đó, nghệ thuật cũng bắt đầu biến chuyển, rồi bắt đầu “góp một bàn tay” vào việc thúc đẩy cảm nghĩ tiếp tục biến chuyển. Ðiều cần nhớ là, xưa nay bàn tay ấy bao giờ cũng chỉ be bé, xinh xinh...

(Thu Tứ)



Huy Cận, “Vai trò của Thơ Mới”




Thơ Mới (...) đổi cảm xúc cho người Việt Nam ở thế kỷ XX (...)

Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX biến chuyển, kéo theo những biến chuyển trong tâm thức của con người Việt Nam (...)


(Huy Cận trả lời phỏng vấn của
Thơ (phụ trương của báo Văn Nghệ, VN), số 3, quý III, năm 2003. Nhan đề phần trích tạm đặt.)