“Những truyện chép ở đây, là sử ở trong truyện chăng”...

Chắc chắn là có sử trong truyện dân gian. Nhưng chuyện xảy ra thời Hùng Vương mà đến đời Trần - cách hàng hai mươi thế kỷ - mới nghe kể thì làm sao biết được đâu là sự thực!(1)

Ðã thế, các nho sĩ đâu có chép y như nghe dân kể, mà thêm, bớt, sửa cho hợp với quan điểm Nho giáo!

Cho nên, đọc
Việt điện u linh hay Lĩnh Nam chích quái, chớ có cả tin.

(Thu Tứ)

(1) Theo Bình Nguyên Lộc, Hùng Vương thứ I bắt đầu trị vì năm -617 (
gocnhin.net số 19). Việt điện u linh tập viết năm 1329.



Hoàng Hưng, “Ghi chép về Hùng Vương”



(Hai) Người đầu tiên đưa thời Hùng Vương và những mẩu chuyện thời Hùng Vương vào sách là (...) Lý Tế Xuyên và Trần Thế Pháp (đời Trần).(1) Sách của Trần Thế Pháp, sau đó được Vũ Quỳnh, Kiều Phú san nhuận và bổ sung. Các ông nêu lý do: “Từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc, chưa có quốc sử để ghi chép, cho nên nhiều truyện bị mất mát đi. May còn truyện nào không bị thất lạc, riêng được dân gian truyền miệng”. Các ông đã sưu tầm trong dân gian và cho rằng: “Những truyện chép ở đây, là sử ở trong truyện chăng” (...) Các ông đã công nhận sự tồn tại của thời Hùng Vương, nhưng do trình độ lúc bấy giờ, các ông đã ghi chép nhiều sự hoang đường, quái đản, khiến cho người đọc đời sau đều không tin được (...)

Ðến đời Lê, Ngô Sĩ Liên đã dựa vào các sách cũ, thận trọng đưa đời Hùng Vương vào bộ sử Việt Nam đầu tiên.(2) (...) Việc Ngô Sĩ Liên không chép thời đại Hùng Vương vào phần “Bản kỷ” mà chỉ chép vào “Ngoại kỷ” có nghĩa là ông còn hồ nghi tính chân xác của sử liệu, chưa coi đó là chính sử.

Trong các triều đại sau, các sử gia (...) như Lê Quý Ðôn, Ðặng Xuân Bảng, Nguyễn Thông, Phan Huy Chú v.v., một mặt công nhận sự tồn tại của thời Hùng Vương, một mặt khác lại tỏ ý nghi ngờ những tư liệu về thời đó. Mối băn khoăn nghi ngờ đó đã kéo dài ngót nghìn năm, các sử gia (...) Lý, Trần, Lê, Nguyễn, ngoài việc tham khảo trích dẫn các sách xưa, không còn cách nào khác để chứng minh sự tồn tại của thời kỳ lịch sử đó.


(Hoàng Hưng, “Dẫn luận”,
Thời đại Hùng Vương (nhiều tác giả), in lần đầu năm 1971, nxb. Văn Học (VN) tái bản năm 2008, tr. 15-16)





__________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.
Chú thích của người chọn:
(1) Lý Tế Xuyên viết
Việt điện u linh tập năm 1329, Trần Thế Pháp viết Lĩnh Nam chích quái khoảng nửa thế kỷ sau đó. Thực ra, cũng vào đời Trần sách Việt sử lược, có lẽ viết trước VÐULT khá lâu, đã có nhắc đến Hùng Vương.
(2) Tức bộ
Sử ký toàn thư soạn xong năm 1479. Thực ra, trước đó đã có Ðại Việt sử ký của Lê Văn Hưu nhưng sách ấy đã thất truyền. (Xem gocnhin.net số 28)