Nếu người Việt bỏ hẳn tiếng Việt, dùng toàn tiếng Tây, thì chắc chắn sớm muộn sẽ “thành công”, thành Tây da vàng. Nếu không bỏ hẳn tiếng Việt, nhưng mượn tiếng Tây nhiều quá, thì sẽ trở nên “dở dang” như bánh chưng nhân thịt bò hay rau muống trộn phô-mai! Thời Pháp thuộc qua lâu rồi, bây giờ kiểm điểm thì thấy rút cuộc ta đã nhập thật là ít tiếng Pháp: về từ vựng, vẻn vẹn một đôi trăm từ chủ yếu gọi tên những vật nọ vật kia mà người Pháp mang qua; về ngữ pháp, chỉ vài nét thôi, chẳng hạn cái lối danh hóa động từ bằng cách dùng chữ “sự”. Rút cuộc, tiếng Việt vẫn còn “toàn thể” y như trong ca dao, trong Truyện Kiều... Tại sao kết quả giao lưu là như thế? Cơ bản, bởi vì khi tiếng Pháp qua thì tiếng Việt đã trưởng thành từ lâu rồi. Thử nghĩ: tiếng Tàu giống tiếng Việt hơn, vào đất Việt rất sớm, ở hơn một nghìn năm, rồi sau Bắc thuộc lại được tầng lớp trên đặc biệt quý trọng trong suốt gần một nghìn năm nữa, thế mà rút cuộc vẫn bị Việt hóa chứ không hóa được Việt, nữa là tiếng Pháp lạ hoắc, qua trễ, ở ngắn! Chuyện xảy ra cho tiếng nói có ý nghĩa tiêu biểu cho văn hóa tinh thần nói chung đó: ngay cả khi còn tương đối trẻ, văn hóa Việt đã đầy tự tin, không chịu bị “hóa” bởi một văn hóa cổ rất rực rỡ, huống chi khi gặp văn hóa Pháp thì chính văn hóa Việt mới là bên già dặn hơn! Ta nhập một số nét hay của Pháp rồi hóa đi, làm cho mình thêm giàu. Chứ ta đâu có chịu hóa thành Pháp! (Thu Tứ)



Phạm Quỳnh, “Ðằng nào cũng dở”




Mượn lời nói của giống khác, thì tức là mượn tư tưởng của giống khác, vì là đem cái óc của mình khuôn vào từ điệu cú pháp của người, đem cái hồn của mình nhiễm lấy tính tình phong vị của người, đem cốt cách tinh thần của mình mà hy sinh đi để chuốc lấy cái cốt cách tinh thần của người (...) thành công (...) thì (...) thành một bản phóng của người (...) không thành công (...) ấy mới dở dang thay!


(Phạm Quỳnh, “Quốc học với quốc văn”, tạp chí
Nam Phong, số 164, tháng 7-1931, in lại trong Luận về quốc học, nxb. Ðà Nẵng, 1999. Nhan đề phần trích tạm đặt.)