Sông Hồng lưu lượng chỉ khoảng 1/5 lưu lượng chung của sông Tiền và sông Hậu, nhưng chở nhiều phù sa hơn! Do địa hình buộc phải xây đê (xem bài “Dân số và đê”của Nguyễn Từ Chi), bao nhiêu chất bổ làm “Hồng” sông ấy không chan lên đất hai bờ… Ra Ðồ Sơn, trông màu nước biển mà tiếc quá! (TT)



“Sông ngòi Việt Nam”

Phan Huy Xu v.v.




Việt Nam có khoảng 2860 con sông lớn nhỏ. Tính trung bình cứ 20km dọc theo bờ biển lại có một cửa sông. Tổng lượng dòng chảy (...) là 867 tỉ mét khối / năm (...)

Lưu lượng sông ngòi Việt Nam lớn nhưng lượng nước phân bố không đều giữa các hệ thống sông và các vùng. Chỉ riêng hệ thống sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu, và sông Mã đã chiếm 80% tổng lưu lượng (trong đó sông Tiền và sông Hậu: 550 tỉ mét khối / năm, sông Hồng 120 tỉ mét khối / năm). Thủy chế (...) thay đổi theo mùa và thất thường (...) có hai mùa (tương ứng) với khí hậu nhiệt đới gió mùa: mùa lũ và mùa cạn (...) Mực nước mùa lũ và mùa cạn chênh lệch nhau rất lớn (...)

Mùa lũ trùng với mùa mưa, có xu hướng chậm dần từ bắc vào nam (...) Ở miền núi và duyên hải miền Trung (...) lũ thường lên nhanh và rút nhanh. Lũ trên sông Hồng (...) nhanh hơn lũ trên sông Cửu Long (...) Lũ trên sông Hồng thường là lũ kép, có khi là lũ của cả ba sông chập lại: sông Ðà, sông Lô và sông Thao (...) Từ lâu người Việt Nam đã biết đắp đê ngăn lũ để bảo vệ mùa màng và đời sống. Ngày nay hàng ngàn công trình thủy lợi đã dần dần hạn chế được thủy tai.

Do địa hình dốc, lớp vỏ phong hóa dày và vụn bở, lớp phủ rừng bị tàn phá nặng nề lại bị mưa với cường độ lớn cho nên quá trình xâm thực, bóc mòn xảy ra dữ dội (nước đã bóc mòn, xâm thực và vận chuyển tới 640 tấn / km vuông / năm ở lưu vực sông Thao, 1220 tấn / km vuông / năm ở lưu vực sông Ðà). Lượng phù sa và bùn được các sông trong cả nước chuyên chở lên tới 300 triệu tấn / năm, trong đó sông Hồng 130 triệu tấn / năm, sông Tiền và sông Hậu 100 triệu tấn / năm (...)


(Phan Huy Xu và Nguyễn Kim Hồng, “Chương I: Thiên nhiên Việt Nam”,
Lịch sử Việt Nam (nhiều tác giả, chủ biên: Trần Văn Giàu, Trần Bạch Ðằng, Mạc Ðường), Hội đồng Khoa học Xã hội TPHCM và Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM, nxb. Trẻ, 2001, tập I)