Ai đọc Ðỗ Phủ đều biết thương người là một nội dung thơ cũ ít nhất mười mấy thế kỷ.

Có những thứ có cần biết đến thời gian đâu, lúc nào chúng cũng hợp thời.

(Thu Tứ)



Tố Hữu, “Một tiếng rao đêm” (11-1941)




Ai ăn bánh bột lọc không?
Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng!
Không phải giọng của một hầu đứng tuổi
Cao thánh thót hay rồ khan gió bụi
Ðây âm thanh của một cổ non tơ
Mà dây ngân còn vương vấn dại khờ
Trên môi mỏng hãy thơm mùi sữa mẹ.
Tiếng rao nhỏ của một em gái bé
Không vang lâu, chỉ vừa đủ rao mời
Mà giọng còn non quá, yếu dần hơi
Nên cái bánh nửa chừng ra cái bén
Thôi cũng được, tiếng em vừa ngon đến
Rao đi em, kẻo nữa quá khuya rồi...

Anh nằm nghe qua cửa khám, xa xôi
Tiếng em bước trên đường đêm nhỏ nhỏ
Nhưng cũng đủ cho lòng anh lắng rõ.
Anh thấy em, mình gió thổi nghiêng nghiêng
Như cây dương liễu nhỏ tóc chưa viền
Manh áo mỏng che em không kín ngực
Ðầu không nón, bụi sương thầm chấm ướt
Ðuôi tóc chuôi chừng bảy tám năm thôi!
Ấy chân em leo lên bước đường đời
Ngày tháng đó trong mủng vài chục bánh.
Gia tài đó, mấy đồng xu mỏng mảnh,
Biết bao giờ mà sướng được em ơi!
Có ai thương một con bé giữa trời
Mà thương nữa, cũng đôi người lơ đễnh
Kêu em lại, mua cho vài chiếc bánh
Trả vài xu và thoa má, ngọt ngào
"Ồ cái con bé nó mới ngoan sao
Chừng ấy tuổi đã làm ăn bán dạo!"

Và con bé đi rồi, tình mới đậu
Chưa nồng trên lòng khách, đã phôi pha
Theo dáng hình sương khuất, tiếng rao xa...


Xà lim Qui Nhơn, tháng 11-1941