Phạm Thế Ngũ bảo hát nói như một thể văn vần, là một “kỳ công tổng hợp”. Nó cơ bản là con của thơ bảy chữ Việt và nói lối, tức nó cha Việt mẹ Việt. Nó có “quà” của lục bát ở mấy câu mưỡu. Ngoài ra, nó có chứa một chút “kỷ niệm” của thơ Ðường: hai câu đầu trong khổ nhì là hai câu thơ bảy chữ Tàu.

Chứa thêm nhịp Tàu cho “đa nhịp”, không sao. Bất ổn là ở chỗ các cụ ta xưa điển hình làm hai câu ấy bằng tiếng Tàu. Trong bài thơ Việt mà có câu tiếng Tàu!

Cao Bá Quát ai cũng biết rất giỏi Hán văn, nhưng trong bài “May rủi”, ở cái chỗ “chữ thánh hiền” thường “cao ngọa”, lại rất thoải mái “nằm ngồi” hai câu chữ nôm! Chẳng những ở chỗ thường gặp... Tàu, không gặp, mà ở khắp mọi chỗ trong bài thơ ấy, đều không gặp. Hát nói thuần nôm đầu tiên là đây chăng? Dù sao, mãi đến Tản Ðà nó vẫn hiếm. Văn chương toàn lời tiếng mẹ đẻ mà vẫn rất trí thức, rất “cao kỳ”. “Thánh” Quát quả “siêu”!

(Thu Tứ)



Cao Bá Quát, “May rủi”




Một rủi một may là máy tạo,
Dù khôn dù dại cũng bia trần,
Việc đã rồi nghĩ lắm lại thêm đần,
Liếc gươm trí cắt giặc phiền từ đó,

Nằm khểnh ngâm thơ cho vợ ngủ,
Ngồi rù uống rượu với con chơi.

Mô phạm dăm ba đứa mũi chưa chùi,
Tiêu khiển mấy cô đào mới nỏi.

Ngoài tai ấy tha hồ ai gọi,
Rằng ngựa trâu, vâng cũng ngựa trâu.
Nào đâu đã hẳn hơn đâu!


(
Tuyển tập thơ ca trù, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1987)






_____________
Chú thích của sách: "Gươm trí cắt giặc phiền": lấy trí tuệ mà vượt qua phiền não. Nỏi: non nớt. Trang Tử: "Gọi ta là ngựa? Vâng, là ngựa! / Gọi ta là trâu? Vâng, là trâu!".