“Ðồi núi là cơ bản”

Vũ Tự Lập




Ðồi núi là bộ phận quan trọng nhất của cấu trúc địa hình Việt Nam (...)

Ðồi núi chiếm đến 3/4 diện tích lãnh thổ và từ trên cao nhìn xuống thì phía bắc thung lũng sông Hồng thông với một vùng đồi núi thấp chạy đến tận bờ sông Dương Tử, rộng lớn vào bậc nhất thế giới, còn phía nam thì hiện ra như một nhánh núi cao đi từ phía đông cao nguyên Tây Tạng, qua cao nguyên Vân-Quý xuống phía đông nam tới tận bờ biển cực nam Trung bộ (...) dải Trường Sơn, dài 1400 km từ biên giới tây bắc đến miền đông Nam bộ, cheo leo hiểm trở, dựng đứng trên đồng bằng ven biển khác nào một bức trường thành. Có thể nói chính thế núi ấy đã chi phối sự phát triển lãnh thổ của dân tộc ta.

Vùng đồi núi của ta còn rất hiểm trở, khó đi lại, vì bị chia cắt bởi một màng lưới sông ngòi dày đặc, đồng thời sườn lại rất dốc (...) thung lũng, có nơi là những hẻm vực sâu tới 1000m, như thung lũng sông Nho Quế ở sơn nguyên Ðồng Văn, thung lũng sông Chảy ở sơn nguyên Bắc Hà - Mường Khương, thung lũng sông Ðà ở khuỷu Lai Châu. Vùng núi có độ dốc trên 25 độ, có nơi trên 40 độ, tất cả đã khiến cho việc khai thác kinh tế miền núi rất khó khăn, dân cư thưa thớt (...)

Các đồng bằng chủ yếu là đồng bằng chân núi, ngay hai đồng bằng rộng lớn là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long cũng hình thành trên một vùng núi cổ bị sụt lún, đứng trong đồng bằng (...) có thể nhìn thấy đồi núi bao quanh, thậm chí tại những nơi sụt võng yếu, núi sót lộ ngay ra trong lòng đồng bằng. Còn dải đồng bằng duyên hải miền Trung thì bị những nhánh núi ngang chạy ra sát bờ biển chia cắt thành những ngăn nhỏ, muốn thông thương phải qua rất nhiều đèo. Bồi đắp nên đồng bằng là phù sa của các con sông từ miền núi xuống, vì đồng bằng là đồng bằng cửa sông, cho nên chế độ khí hậu thủy văn miền núi và miền đồng bằng là tương hỗ, sự phá rừng trên núi, sự đắp đập ngăn sông đều ảnh hưởng đến vấn đề lũ lụt, tưới tiêu dưới đồng bằng, do đó mọi hành động thiếu suy nghĩ chín chắn tại miền núi có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khôn lường.

Nhận thức được tính chất cơ bản của đồi núi trong cấu trúc địa hình Việt Nam thật có ý nghĩa cả về mặt khoa học, cả về mặt thực tiễn. Việc nghiên cứu kỹ miền núi để quản lý, khai thác nó một cách đúng đắn là một vấn đề có tính chiến lược quan trọng và lâu dài trong công cuộc phát triển bền vững đất nước ta.


(Vũ Tự Lập,
Ðịa lý tự nhiên Việt Nam, nxb. Ðại Học Sư Phạm, 2003)